Xây dựng văn hóa liêm, chính để nói không với tham nhũng, tiêu cực
Chia sẻ:
(LLCT) - Để có thể xóa bỏ triệt để, tận gốc hành vi tham nhũng, bên cạnh các giải pháp về huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì việc xây dựng văn hóa liêm chính, chú trọng giáo dục đạo đức, lương tâm và danh dự là những giải pháp căn cơ và lâu dài.
Liêm và Chính là hai phẩm chất đạo đức thuộc “tứ đức” Cần - Kiệm - Liêm - Chính theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh; cũng là một trong bốn yếu tố nền tảng để xây dựng chính quyền kiến tạo, liêm chính, hành động và phục vụ. Trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung, nhất là trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng hiện nay; xây dựng văn hóa liêm chính được xác định là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu; từng bước hiện thực hóa quan điểm “Bốn không” - “không thể”, “không dám”, tiến tới ''không muốn'' và ''không cần'' tham nhũng, tiêu cực.
![]() |
Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 - Ảnh: Nhật Bắc |
Liêm Chính - “chất” của Người, sinh mệnh của Đảng, an nguy của dân tộc
Về từ nguyên học, liêm chính là từ Hán Việt, mang nghĩa tính từ là ngay thẳng và trong sạch. Từ điển Tiếng Việt giải nghĩa: “Liêm là không tham lam, trong sạch”. “Chính là ngay thẳng, đúng đắn, trái với tà”. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” viết năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh cắt nghĩa: “Liêm là không tham” - cả địa vị, tiền tài, sự sung sướng, tâng bốc. Và vì không tham nên mới “quang minh chính đại, không bao giờ hủ hóa”. Cặn kẽ hơn, Người nhận diện các biểu hiện, hành vi bất liêm: “Vì xa xỉ mà sinh tham lam. Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là bất liêm”. Cụ thể hơn nữa, Bác chỉ rõ: “Người cán bộ cậy quyền thế mà đục khoét dân, ăn của đút, hoặc trộm của công làm của tư, dìm người giỏi để giữ địa vị và danh tiếng của mình. Gặp việc phải, sợ khó nhọc, nguy hiểm không dám làm, v.v.”. Tất cả đều là bất liêm.
Tiếp thu những giá trị cốt lõi trong tư tưởng của Khổng Tử và đức Phật, Bác định nghĩa hết sức đơn giản, ngắn gọn về chữ Chính: “là không tà”, “là thẳng thắn, đứng đắn” và “Điều gì không thẳng thắn, đứng đắn, tức là tà”. Khái niệm Thiện - Ác cũng được Người phân định rạch ròi gắn liền với hai khái niệm Chính - Tà: “Trong xã hội, có trăm công, nghìn việc. Song những công việc ấy có thể chia làm hai thứ: việc Chính và việc Tà. Làm việc Chính là người Thiện. Làm việc Tà là người Ác. Siêng năng (cần), tằn tiện (kiệm), trong sạch (liêm), Chính là Thiện. Lười biếng, xa xỉ, tham lam là tà, là ác”. Theo Người, trong “tứ đức”, Chính được hình thành trên nền tảng Cần, Kiệm, Liêm. “Nhưng một cây cần phải có gốc rễ, lại cần có nhành, lá, hoa quả mới là hoàn toàn. Một người phải Cần, Kiệm, Liêm nhưng còn phải Chính mới là người hoàn toàn”. Bác đặt chữ Chính trong mối quan hệ với mình, với người và với việc để cán bộ, đảng viên dễ dàng quy chiếu, nhận diện và phấn đấu thực hiện.
Liêm khiết, chính trực được xem là tiêu chí, là ranh giới để xác định phẩm giá con người, phẩm chất cán bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn câu nói của Khổng Tử: “Người mà không liêm không bằng súc vật”. Bất liêm, bất chính đều để lại hệ lụy lớn là “đi đến tội ác trộm cắp”; dù công khai hay bí mật, trực tiếp hay gián tiếp thì bất liêm cũng đều là trộm cắp, hơn thế: là tội ác. Để cho lòng tham chi phối, lý trí và lương tâm bị che mờ sẽ đi đến tham nhũng, tham ô, có tội với dân với nước, làm mất thanh danh của Đảng, làm ô nhục bản thân, gia đình, dòng họ. Kẻ bất liêm, bất chính cũng là kẻ vô sỉ, lương tâm không còn biết day dứt, xấu hổ, nhục nhã khi làm việc xấu, việc ác – một sự tha hóa trầm trọng về nhân cách, đạo đức. Bất liêm, bất chính là kẻ thù của nhân dân, của Đảng và Nhà nước; đồng minh của các thế lực thù địch, phản động. Nó bào mòn, phá vỡ niềm tin, tiêu hao của cải của Nhân dân, là tội ác, mà như luận tội của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tội lỗi ấy cũng nặng như Việt gian, mật thám” – tội phản bội Nhân dân, phản bội lại lợi ích và sự tồn vong của Đảng, của chế độ.
Văn hóa liêm chính, vắc xin phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực
Ngày nay, căn bệnh “trộm cắp” tài sản công và cả nạn “trộm cắp” quyền lực công đã trở nên trầm trọng với nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng đã được mở ra. Trong giai đoạn 10 năm 2012 - 2022 quyết liệt chống tham nhũng, tiêu cực, các cơ quan chức năng đã kiến nghị xử lý gần 44.700 tập thể, cá nhân sai phạm, hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng đã bị kỷ luật. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương, 20 sĩ quan cấp tướng. Kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 975.000 tỉ đồng, gần 76.000 ha đất. Đó thực sự là những con số nhức nhối cho thấy tính chất nghiêm trọng và mối nguy tiềm ẩn của nạn “giặc nội xâm” đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, sự an nguy của chế độ. Càng nhức nhối hơn vì đó mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Trên thực tế, tham nhũng, tiêu cực vẫn diễn biến phức tạp, ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có nguy cơ “di căn” sâu, rộng, liên kết thành hệ thống; gây bức xúc trong xã hội; thực sự vẫn là một trong những kẻ thù hiểm ác, đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.
![]() |
Xây dựng văn hóa liêm chính là yêu cầu cấp thiết của thực tiễn trong công tác phòng, chống tham nhũng |
Công cuộc tấn công, đẩy lùi kẻ thù này vẫn đang được Đảng ta tiến hành ráo riết, với những bước đi đầy quyết liệt nhưng cũng hết sức căn cơ, với hành trang kinh nghiệm sau 10 thực tế, với lực lượng đã được bổ sung về đến các địa phương và trên hết là sự đồng tình, hưởng ứng của toàn thể Nhân dân. Cái “lồng cơ chế” đã từng bước được gia cố vững chắc, hoàn thiện hơn với hệ thống văn bản lãnh đạo của Đảng, luật pháp của Nhà nước ngày càng chặt chẽ, hạn chế tối đa những kẽ hở giúp kiểm soát quyền lực tốt hơn; hướng tới việc cán bộ không thể tham nhũng, tiêu cực. Việc tiến công ráo riết không giới hạn, không vùng cấm, không đặc quyền, bất kể đó là ai đã cảnh báo công khai: Sẽ không còn bất cứ ai có khả năng “miễn nhiễm”, không còn bất cứ vùng an toàn nào để kẻ tham nhũng, tiêu cực lẩn tránh sự trừng phạt. Sự nghiêm minh, nghiêm khắc - không chỉ là bằng kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính, hình sự mà còn bằng áp lực dư luận xã hội đã ít nhiều tạo hiệu ứng răn đe, khiến những người đang lăm le nhúng chàm phải e ngại, chùn bước. Tấn công quyết liệt, trừng phạt nghiêm khắc, kiểm soát chặt chẽ.
Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả bền vững và chiều sâu trong phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; việc xây dựng “văn hóa liêm chính” sẽ giúp cán bộ, đảng viên tăng khả năng đề kháng, sự “miễn nhiễm” đối với “virus” tham nhũng, tiêu cực. Nhiệm vụ này phải được bắt đầu trước hết từ chính từng cá nhân. Đó là sự khổ luyện thường xuyên về đạo đức và bản lĩnh để biết “tri chỉ” – biết giới hạn, biết dừng, biết đủ - tiết chế, kiềm toả những ham muốn, dục vọng tầm thường đối với của cải vật chất, quyền lực - những “viên đạn bọc đường”; biết tự trọng, xấu hổ để bảo toàn danh dự cá nhân, thanh danh gia đình, dòng tộc, uy tín của tổ chức, cơ quan nơi công tác. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu “Mỗi người phải nhận rằng, tham lam là một điều rất xấu hổ, kẻ tham lam là có tội với nước, với dân”. Người cảnh báo, dặn dò một cách hết sức ân cần, tha thiết: “…Đến khi lộ ra, bị phạt, thì mất hết cả danh giá, mà của phi nghĩa đó cũng không được hưởng. Vì vậy, những người trong công sở phải lấy chữ Liêm làm đầu… Chớ đem của công dùng vào việc tư. Chớ đem người tư làm việc công. Việc gì cũng phải công bình, chính trực, không nên vì tư ân, tư huệ, hoặc tư thù, tư oán…”. Bên cạnh sự nỗ lực tự thân của mỗi cá nhân, để giúp cán bộ không sa vào bất liêm, bất chính cần có những hành lang pháp lý - của Đảng và Nhà nước - thật chặt chẽ, cần sự vào cuộc của các tầng lớp Nhân dân để tăng cường kiểm soát, giám sát, đề cao sự công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Hiện nay, khi đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang trở thành phong trào, thành xu hướng không thể đảo ngược cũng chính là Đảng ta đã và đang góp phần tạo ra một môi trường xã hội lành mạnh, tôn vinh văn hóa liêm chính, lên án, tẩy trừ những biểu hiện bất liêm, bất chính.
Không thể ngày một, ngày hai và cũng không hề dễ dàng nhưng xây dựng văn hóa liêm chính sẽ là giải pháp căn cơ, tạo nền tảng, gốc rễ để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, xây dựng một xã hội thật sự lành mạnh, trong sạch./.
Trần Thị Phương, Trường phòng Lý luận chính trị và Lịch sử Đảng,
Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng

Tin đọc nhiều
Dữ liệu hiện đang được cập nhật
Phổ biến
Dữ liệu hiện đang được cập nhật