Thứ Bảy, 04/05/2024

Ban Tuyên giáo Trung ương - Hệ thống phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị

Phê phán các quan điểm sai trái, xuyên tạc về sự kiện Gạc Ma năm 1988

Chia sẻ:

(LLCT) - Trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ của phương tiện thông tin đại chúng, nhất là mạng xã hội, các thế lực thù địch, các phần tử xấu đẩy mạnh lợi dụng những sự kiện chính trị, sự kiện lịch sử có liên quan đến vấn đề Biển Đông để chống phá, bôi nhọ sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Trong đó, một sự kiện lịch sử đặc biệt - Trung Quốc sử dụng vũ lực xâm chiếm trái phép một bộ phận quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đỉnh điểm là sự kiện Gạc Ma ngày 14-3-1988 đã bị xuyên tạc nhiều thông tin thiếu căn cứ lịch sử.

Gạc Ma 1988

1. Một số quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch

Trong quá trình theo dõi, nghiên cứu về sự kiện Gạc Ma năm 1988 thì có nhiều nội dung bị xuyên tạc, tuy nhiên điểm lại có hai luận điệu xuyên tạc chủ yếu sau:

- Xuyên tạc lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam, lãnh đạo Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra lệnh “không được nổ súng” trong sự kiện Trung Quốc sử dụng vũ lực xâm chiếm trái phép một bộ phận quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988.

- Xuyên tạc nhà nước Việt Nam bưng bít thông tin vụ Gạc Ma ngày 14-3-1988.

Đến thời điểm hiện nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, đồng thời chúng ta có độ lùi thời gian để củng cố cứ liệu lịch sử, cùng với quan điểm tôn trọng lịch sử, sòng phẳng với lịch sử - không có nghĩa là chúng ta kích động hận thù, để rút ra được những bài học đúng đắn cho quan hệ quốc tế trong bối cảnh phức tạp hiện nay, những luận điệu xuyên tạc lịch sử mặc dù trên đang tràn lan trên internet, được các thế lực thù địch, cơ hội chính trị rêu rao để phục vụ âm mưu đồ đen tối của họ, nhất là mỗi khi tới ngày kỷ niệm Gạc Ma 14-3. Nhưng thực tế lịch sử khẳng định, các luận điệu xuyên tạc trên là suy diễn, thiếu căn cứ lịch sử, cần phản bác, làm rõ.

2. Sự thật về lệnh “không được nổ súng”!

Xin bắt đầu với câu chuyện có liên quan đến một chiến sĩ có quê ở Đà Nẵng, hy sinh trong sự kiện Gạc Ma ngày 14-3-1988 như sau: Nhà báo Nguyễn Chí Trung vào ngày 20-3-1988, đến nhà bà Khả, mẹ của liệt sĩ Trần Tài (phường Hòa Cường) cho biết, sáng ngày 14 tháng Giêng năm 1988 (âm lịch), khi hết nghỉ phép lên đường ra Trường Sa, người mẹ nói với chiến sĩ Trần Tài: Thôi con đi... Tài làm nũng: Để con đi thiệt xa, ở nhà con xin tiền, mẹ không cho, mẹ rằng rực miết... Bên mình thì cố kìm không nổ súng. Còn bên bọn Trung Quốc, bọn hắn nã đại bác, bọn hắn nã súng cối, dã man tàn bạo biết chừng nào [1]. Hay câu chuyện về người hoa tiêu của tàu Mỹ Á - trung tá Trần Công Lửng, một người thông thuộc luồng lạch vùng quần đảo Trường Sa như bàn tày. Khi phóng viên hỏi: Anh nghĩ gì khi sự kiện 14-3 xảy ra trước hành động ăn cướp của lính Trung Quốc, bộ đội ta lại không nổ súng. Trả lời: Tôi, các anh và cả một thế hệ của chúng ta đang mang trong mình vết thương của chiến tranh, vết thương ấy đang còn rỉ máu. Lẽ đó mà bộ đội ta không muốn nổ súng, không muốn xảy ra một cuộc chiến tranh khác. Hơn ai hết mỗi chúng ta đều khao khát được sống hòa bình. Hỏi: Vậy khi đã xảy ra nổ súng thì phải chiến đấu tự vệ? Trả lời: Đó là lẽ tất nhiên, chúng tôi đang đứng trên lãnh thổ của Tổ quốc mình [2].

Biên đội gồm 3 tàu 673-674-675 chở quân ra giải phóng Trường Sa. Và trận đánh đảo Song Tử Tây rạng sáng 14-4-1975, hai liệt sĩ đầu tiên hy sinh ở Trường Sa trong trận đánh này là hạ sĩ Tống Văn Quang và hạ sĩ Ngô Văn Quyền.

Chúng tôi nêu hai câu chuyện cũng là hai cứ liệu lịch sử trên để thấy rằng, ngay sau sự kiện Gạc Ma ngày 14-3-1988 xảy ra, thì vấn đề “không được nổ súng” đã là câu chuyện cốt lõi của sự kiện và về bản chất có 3 vấn đề cần làm rõ:

Thứ nhất, lệnh “không nổ súng” không đồng nghĩa với không nổ súng để chiến đấu, mà là không nổ súng trước nhằm tránh duyên cớ gây chiến tranh “ai nổ súng trước” hòng hợp thức hóa cuộc xâm lược của Trung Quốc; đồng thời cũng thể hiện khát vọng hòa bình để xây dựng đất nước vừa hơn 10 năm thoát khỏi chiến tranh. Ngay trong Thông báo của Ban Tuyên huấn Trung ương về sự kiện ngày 14-3-1988 nêu rõ: “Trung Quốc đã đưa tàu đến và ngang nhiên cho quân đổ bộ lên đảo Gạc Ma. Các chiến sĩ ta kiềm chế không nổ súng và ra hiệu cho chúng rút lui khỏi đảo”[3]. Các chiến sĩ Trường Sa lúc bấy giờ đã chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh cấp trên: “Không được bắn trước!”[4]. Hoặc sáng ngày 14-3 “trên đảo Gạc Ma, các chiến sĩ ta đã giương cao lá cờ đỏ sao vàng ra hiệu cho các tàu chiến Trung Quốc biết đây là vùng đảo thuộc chủ quyền Việt Nam. Trên tàu 604, loại tàu “Đại Khánh” do Trung Quốc sản xuất trọng tải 50 tấn, đồng chí Trần Đức Thông - cán bộ chỉ huy đứng trước mũi tàu nhắc nhở chiến sĩ tỉnh táo không để mắc mưu khiêu khích của địch. Đồng chí ra lệnh giọng vang át cả sóng biển: Tất cả không được nổ súng khi tôi chưa ra lệnh!”[5]. Hoặc “trên các tàu S71 và B01 từ thuyền trưởng đến các chiến sĩ đều rất bình tĩnh, tự tin. Nhận được lệnh chỉ huy vùng đảo, chi bộ các tàu họp, quán triệt yêu cầu đến từng chiến sĩ không được nổ súng. Vì vùng đảo yên lành của Tổ quốc, tất cả bám trụ, sẵn sàng hy sinh chứ không mắc mưu khiêu khích của địch”[6]. Qua các thông tin trên, cho thấy rõ trên thực tế, bắt đầu từ tháng 1-1988, khi Trung Quốc không ngừng cho nhiều tàu chiến xâm nhập và khiêu khích quân sự ở khu vực đảo Sinh Tồn trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam thì Việt Nam đã lên tiếng và luôn cánh giác tránh âm mưu khiêu khích của Trung Quốc rồi, chứ không đợi đến sự kiện 14-3-1988.

Thứ hai, mặc dù có lệnh “không được nổ súng” (hay chính xác hơn là “không được nổ sung trước”), nhưng khi quân Trung Quốc đã khai hỏa bắn phá các tàu của hải quân Việt Nam thì chiến sĩ ta cũng nổ súng bắn trả, chứ không hoàn toàn không nổ súng như các thông tin xuyên tạc đã nêu. Thông báo của Ban Tuyên huấn Trung ương về sự kiện ngày 14-3-1988 nêu rõ sau khi chiến sĩ ta thuyết phục, “lính Trung Quốc không nghe, xông vào phá cột cờ trên đảo, dùng dao găm đánh bộ đội ta. Các chiến sĩ ta trên đảo dũng cảm chống trả quyết liệt bảo vệ cột cờ đảo, buộc lính Trung Quốc phải bỏ đảo rút lên tàu. Nhưng sau đó, chúng dùng pháo 100 ly trên tàu, bắn chìm và cháy 3 tàu vận tải của ta ở bãi đá ngầm Gạc Ma trong cụm đảo Sinh Tồn do Việt Nam kiểm soát... Và sau đó buộc bộ đội ta phải bắn trả vào tàu Trung Quốc để tự vệ”[7]. Ngày 15-3-1988, Bộ Ngoại giao Việt Nam ra tuyên bố, nêu rõ: “Sáng ngày 14-3-1988, các tàu chiến của Trung Quốc đang hoạt động trái phép ở vùng biển quần đảo Trường Sa đã ngang nhiên nổ súng vào hai tàu vận tải của Việt Nam đang hoạt động bình thường ở bãi đá ngầm Gạc Ma thuộc khu đảo Sinh Tồn. Tàu của ta buộc phải nổ súng để tự vệ. Trong khi đó họ lại đổi trắng thay đen, vu cáo tàu của Việt Nam khiêu khích vũ trang tàu chiến của Trung Quốc”[8]. Như vậy, các chiến sĩ hải quân Việt Nam cũng đã nổ súng tự vệ và gây một số thiệt hại khi lính Trung Quốc khi họ “có 6 lính chết và 18 lính bị thương”[9].

Thứ ba, ngày 7-5-1988, Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức kỷ niệm 33 năm ngày truyền thống Quân chủng Hải quân tại đảo Trường Sa, Đại tướng Lê Đức Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng đã đến dự và có bài phát biểu quan trọng. Trong đó nêu rõ: “Thật cay đắng cho cả nhân dân hai nước, tội lỗi mới lại ập tới, do một số lãnh đạo của Trung Quốc gây ra cho dân tộc Việt Nam, bắt đầu từ 30-4-1977 ở biên giới Tây Nam Tổ quốc, rồi đến tháng 2-1979 ở biên giới Việt - Trung, và gần đây nhất, từ đầu năm 1988, lực lượng vũ trang Trung Quốc lại trắng trợn xâm lấn vùng quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đặc biệt nghiêm trọng là ngày 14-3-1988, hải quân Trung Quốc đã bắn chìm và bắn cháy ba tàu vận tải của chúng ta đang làm nhiệm vụ tiếp tế trong vùng quần đảo, gây thương vong cho bộ đội hải quân ta và đến giờ phút này, hơn 70 cán bộ, chiến sĩ hải quân ta đang còn mất tích và họ vẫn tiếp tục ngăn cản công việc cứu hộ”[10]. Chính sự gặp mặt và động viên kịp thời này đã cổ vũ, động viên bộ đội hải quân quyết tâm bảo vệ quần đảo Trường Sa, một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Việt Nam.

Như vậy, các thông tin trên cho thấy trong sự kiện Gạc Ma ngày 14-3-1988 đã thể hiện tinh thần kỷ luật rất cao, chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh của cấp trên, tự kiềm chế cả trong trường hợp nguy cấp, không nổ súng trước mà chỉ chiến đấu để tự vệ khi bị bắt buộc. Đó là ý thức chính trị sâu sắc, tự giác chấp hành đường lối chính trị và ngoại giao của Đảng và Nhà nước Việt Nam mong muốn giải quyết những vấn đề tranh chấp thông qua con đường thương lượng, hòa bình, không có việc ra lệnh không nổ súng mặc kệ cho quân Trung Quốc làm gì thì làm.

3. Việt Nam có bưng bít thông tin sự kiện Gạc Ma ngày 14-3-1988?

Đối với việc xuyên tạc Việt Nam bưng bít thông tin sự kiện Gạc Ma ngày 14-3-1988, thực ra đó là một câu chuyện “bình mới, rượu cũ”, có nghĩa là chỉ dựa vào thực tế rằng sau khi Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ từ năm 1991, vì một số lý do trong quan hệ ngoại giao, Việt Nam tranh thủ các cơ hội để phát triển, nhất là hợp tác với Trung Quốc, nên có phần “mềm yếu” về việc này; các thế lực lấy đó để xuyên tạc Việt Nam bứng bít thông tin sự kiện Gạc Ma năm 1988. Trên thực tế, ngay vào thời điểm năm 1988 thì Việt Nam đã tuyên truyền một cách mạnh mẽ hành động gây hấn, xâm chiếm của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa trên cả bình diện trong nước và dư luận, công đồng quốc tế, tạo thành một sự kiện lịch sử nổi bậc của Việt Nam và thế giới lúc bấy giờ.

Ngay từ đầu năm 1988 khi Trung Quốc gây hấn ở quần đảo Trường Sa, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ra Tuyên bố ngày 20-2-1988 về việc hải quân Trung Quốc khiêu khích trong vùng biển Việt Nam ở Trường Sa. Đặc biệt, ngay sau sự kiện ngày 14-3-1988, Bộ Ngoại giao Việt Nam cùng các cơ quan quản lý nhà nước, các hội, đoàn thể, các đảng phái, các địa phương của Việt Nam đã lực lực phản đối hành động này, tạo thành một phong trào mạnh mẽ nhất, khơi dậy ý chí, sự đồng lòng, đoàn kết và tinh thần yêu nước của các tầng lớp nhân dân. Theo thống kê, từ tháng 2 đến tháng 6-1988, có ít nhất 41 bài viết, tuyên cáo, xã luận… được đăng tải trên báo Nhân Dân và Quân đội nhân dân thể hiện rõ quan điểm Việt Nam yêu cầu Trung Quốc phải chấm dứt ngay mọi hành động khiêu khích, xâm chiếm. Ngày 14-3, Bộ Ngoại giao Việt Nam ra tuyên bố, nêu rõ: “Mọi người đều biết từ tháng 1-1988 đến nay, Trung Quốc đã không ngừng cho nhiều tàu chiến xâm nhập và khiêu khích quân sự ở các bãi đá ngầm Chữ Thập, Châu Viên và một số bãi đá ngầm khác ở khu vực đảo Sinh Tồn trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bất chấp sự phản đối của Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và sự lo ngại của dư luận trên thế giới, trước hết là của các nước Đông Nam Á, hành động trắng trợn nói trên bộc lộ rõ dã tâm của nhà cầm quyền Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng an ninh của Việt Nam, phá hoại hòa bình ổn định và xu thế đối thoại ở Đông Nam Á, thực hiện mưu đồ bành trướng ở Biển Đông. Nhân dân và Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vô cùng phẫn nộ và kiên quyết lên án hành động khiêu khích quân sự của nhà cầm quyền Trung Quốc. Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam một lần nữa khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Nhà cầm quyền Trung Quốc phải chấm dứt ngay các hành động khiêu khích quân sự, rút ngay các tàu chiến của họ ra khỏi vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Họ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về mọi hậu quả do hành động khiêu khích quân sự của họ gây ra”[11].

Đối với dư luận của các nước thế giới về sự kiện Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa năm 1988, có nhiều nước, nhiều chính đảng ở nước ngoài đã ủng hộ lập trường chính nghĩa và thiện chí hòa bình của Việt Nam; yêu cầu Trung Quốc phải chấm dứt ngay những hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, sớm đàm phán với Việt Nam; lên án hành động tội ác của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa; vạch rõ những tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông và Trung Quốc không tự cô lập mình hơn nữa trong vấn đề Trường Sa. Tiêu biểu như ngay trước sự kiện Gạc Ma 14-3-1988, ngày 29-2-1988, Cơ quan Trung ương của Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia đã lên án những hành động của hải quân Trung Quốc khiêu khích tàu thuyền và xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam tại vùng biển quần đảo Trường Sa. “Nhân dân Campuchia nghiêm khắc lên án chính sách phiêu lưu của nhà cầm quyền Trung Quốc đối với Việt Nam và đòi Trung Quốc rút ngay tàu chiến của họ khỏi những vùng lãnh hải Việt Nam, chấm dứt ngay những hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam”[12]. Hoặc ngày 8-5-1988, Thụy Điển, Ấn Độ… kêu gọi Trung Quốc tỏ rõ thiện chí, đáp ứng những đề nghị của Việt Nam ngồi vào bàn thương lượng nhằm đạt tới một giải pháp cho các quần đảo này[13].

Ngay trong và sau sự kiện Gạc Ma ngày 14-3-1988, các địa phương, đoàn thể trong cả nước hướng về Trường Sa mạnh mẽ. Lúc bấy giờ, hầu như từ đứa bé đến cụ già ai cũng nghe ngóng thông tin về sự kiện này qua mít tinh, báo chí, loa phát thanh…; đã tham gia ủng hộ bộ đội Trường Sa. Đặc biệt, các phóng viên báo chí (nhất là Báo Nhân Dân và Báo Quân Đội Nhân Dân) đã trực tiếp ra Trường Sa để gặp gỡ nhân chứng, “mục sở thị” để cung cấp cho độc giả trong nước và trên thế giới về hoạt động bảo vệ, chiến đấu, hy sinh của các chiến sĩ ở quần đảo Trường Sa, ngõ hầu truyền tải một sự thật lịch về sự kiện này. Như vậy, các thông tin trên cho thấy Đảng và Nhà nước Việt Nam không hề bưng bít về sự kiện Gạc Ma năm 1988, hơn nữa còn chỉ đạo đẩy mạnh thông tin bằng các bài viết để làm rõ ý đồ lâu dài của Trung Quốc trong việc lấn dần từng bước đi tới kiểm soát Biển Đông.

Quần thể khu tưởng niệm Gạc Ma

4. Kết luận

Trước các sự kiện chính trị trọng đại, nhạy cảm của đất nước, việc các thế lực thù địch xuyên tạc, chống đối Đảng, Nhà nước không phải điều lạ. Về sự kiện Gạc Ma ngày 14-3-1988, việc xuyên tạc lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam, lãnh đạo Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra lệnh “không được nổ súng” và bưng bít thông tin vụ Gạc Ma ngày 14-3-1988 là một luận điệu suy diễn không có cứ liệu lịch sử. Đặc biệt, trong điều kiện bùng nổ thông tin hiện nay, chúng ta cần tỉnh táo phân biệt những thông tin đúng để có nhận thức và hành động đúng. Sự hy sinh cao cả của các cán bộ, chiến sĩ Gạc Ma mãi mãi là biểu tượng về lòng yêu nước, tình đoàn kết vượt qua gian khó, tính kỹ luật cao, ý chí chiến đấu kiên cường, bất khuất, dâng hiến trọn đời vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn nêu cao quan điểm giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị; nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc./.

Võ Hà, Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, Thông báo số 3 ngày 24-3-1988. Tài liệu lưu tại Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng.

2. Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức kỷ niệm lần thứ 33 ngày truyền thống của Quân chủng tại đảo Trường Sa, Báo Nhân Dân, số 12356, ngày 11-5-1988.

3. Dư luận thế giới đòi Trung Quốc thương lượng với Việt Nam để giải quyết những vấn đề tranh chấp”, Báo Nhân Dân, số 12352, ngày 8-5-1988.

4. Hồ Anh Thắng, “Ghi chép ở Trường Sa”, Báo Quân Đội Nhân Dân, số 9693 và 9694, ngày 19 và 20-5-1988.

5. Hoàng Văn Tuấn, Vạch trần sự xuyên tạc Mất Gạc Ma do lệnh không được nổ súng”, Báo Quân khu 7, ngày 17-3-2016.

6. Minh Vy, “Nén căm thù, biến căm thù thành sức mạnh”, Báo Nhân Dân, số 12311, ngày 27-3-1988.

7. Nguyễn Chí Trung, “Tiếng gọi từ Hòa Cường”, Báo Quân Đội Nhân Dân, số 9657, ngày 12-4-1988.

8. Sự thật ở Trường Sa, Báo Nhân Dân, số 12308, ngày 24-3-1988.

9. Tàu S71 giữa sóng Trường Sa, Báo Nhân Dân, số 12320, ngày 5-4-1988.

10. Trung Quốc phải chấm dứt ngay những hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam”, Báo Nhân Dân, số 12281, ngày 29-2-1988.

11. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 14-3-1988, Báo Quân Đội Nhân Dân, ngày 15-3-1988.

12. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao ta về việc tàu Trung Quốc nổ súng vào tàu vận tải của Việt Nam ở vùng biển quần đảo Trường Sa, Báo Quân Đội Nhân Dân, số 9629, ngày 15-3-1988.

Chú thích:

 


 

[1] Nguyễn Chí Trung, “Tiếng gọi từ Hòa Cường”, Báo Quân Đội Nhân Dân, số 9657, ngày 12-4-1988.

[2] Hồ Anh Thắng, “Ghi chép ở Trường Sa”, Báo Quân Đội Nhân Dân, số 9693 + 9694, ngày 19 và 20-5-1988.

[3] Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, Thông báo số 3 ngày 24-3-1988. Tài liệu lưu tại Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng.

[4] Minh Vy, “Nén căm thù, biến căm thù thành sức mạnh”, Báo Nhân Dân, số 12311, ngày 27-3-1988.

[5] Sự thật ở Trường Sa, Báo Nhân Dân, số 12308, ngày 24-3-1988.

[6] Tàu S71 giữa sóng Trường Sa, Báo Nhân Dân, số 12320, ngày 5-4-1988.

[7] Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, Thông báo số 3 ngày 24-3-1988. Tài liệu lưu tại Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng.

[8] Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 14-3-1988, báo Quân Đội Nhân Dân, ngày 15-3-1988.

[9] Thượng tá Hoàng Văn Tuấn (Phó Trưởng phòng Tuyên huấn Quân khu 7): “Vạch trần sự xuyên tạc Mất Gạc Ma do lệnh không được nổ súng”, Báo Quân khu 7, ngày 17-3-2016.

[10] Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức kỷ niệm lần thứ 33 ngày truyền thống của Quân chủng tại đảo Trường Sa, Báo Nhân Dân, số 12356, ngày 11-5-1988.

[11] Tuyên bố của Bộ Ngoại giao ta về việc tàu Trung Quốc nổ súng vào tàu vận tải của Việt Nam ở vùng biển quần đảo Trường Sa, Báo Quân Đội Nhân Dân, số 9629, ngày 15-3-1988.

[12] Trung Quốc phải chấm dứt ngay những hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, Báo Nhân Dân, số 12281, ngày 29-2-1988.

[13] Dư luận thế giới đòi Trung Quốc thương lượng với Việt Nam để giải quyết những vấn đề tranh chấp, Báo Nhân Dân, số 12352, ngày 8-5-1988.

 

Tin đọc nhiều

Dữ liệu hiện đang được cập nhật

Phổ biến

Dữ liệu hiện đang được cập nhật