Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thái Nguyên vận dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn hiện nay
Chia sẻ:
(LLCT) - Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành truyền thống quý báu của dân tộc ta. Trong suốt cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định đại đoàn kết dân tộc là phương thức, là sức mạnh và là mục tiêu quan trọng nhất của cách mạng Việt Nam, là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Kế thừa và phát triển tư tưởng của Người, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn khẳng định đại đoàn kết dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng, là động lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là định hướng quan trọng để Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, các thế lực thù địch tăng cường “Diễn diễn hòa bình” với nhiều chiêu thức, thủ đoạn thâm độc nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc thì việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết càng trở nên cấp thiết và có ý nghĩa sâu sắc. Trong nhiều năm qua, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thái Nguyên đã không ngừng vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết, thực hiện tốt vai trò là nòng cốt trong tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc là hệ thống những luận điểm, nguyên tắc, phương pháp tập hợp quần chúng nhân dân, tổ chức lực lượng cách mạng nhằm phát huy cao nhất sức mạnh của toàn dân tộc. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác”. Khi đề cập đến vị trí, vai trò của đại đoàn kết dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, đoàn kết làm nên sức mạnh và là cội nguồn của thành công: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”. Để đánh bại các thế lực đế quốc, thực dân nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và con người, bên cạnh tinh thần yêu nước, cần phải xây dựng được khối đại đoàn kết dân tộc bền vững. Người khẳng định “Dân tộc Việt Nam là một, Nước Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”.
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện đại đoàn kết toàn dân là phải kế thừa truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, tinh thần cộng đồng của dân tộc; phải có lòng khoan dung, độ lượng, tin vào Nhân dân, tin vào con người; đồng thời luôn đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân, giải quyết hài hòa mối quan hệ giai cấp - dân tộc để tập hợp lực lượng, với phương châm “nước lấy dân làm gốc”. Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người căn dặn: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
Suốt 93 năm qua, Đảng ta đã vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ ở từng giai đoạn để đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đặc biệt là trong giai đoạn đổi mới đất nước.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc củng cố, tăng cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao cảnh giác trước âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, thời gian qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thái Nguyên đã cụ thể hóa nhiều văn bản hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh triển khai tới các tầng lớp nhân dân chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nghị quyết các hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII; Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tuyên truyền các ngày lễ kỷ niệm, sự kiện chính trị lớn của đất nước và của tỉnh; Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên quan tâm triển khai công tác phối hợp tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc, các tôn giáo thực hiện tốt các quy định của pháp luật, đấu tranh với các “tà đạo”, các tổ chức bất hợp pháp. Công tác tuyên truyền được thực hiện thông qua nhiều hình thức đa dạng như: Phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương, Trang Thông tin điện tử cũng như Bản tin nội bộ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên, các ứng dụng Zalo, Facebook… Với vai trò nòng cốt trong đoàn kết, tập hợp Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thái Nguyên và các tổ chức chính trị - xã hội đã không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, mở rộng và đa dạng hóa các hình thức tập hợp Nhân dân; động viên các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước.
Ngày 01/08/2003, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành Nghị quyết số 04/NQ/ĐCT-MTTW về tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc triển khai đến Mặt trận Tổ quốc các cấp. Hằng năm, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh ban hành Kế hoạch, xây dựng lịch tổ chức các đoàn, trưởng đoàn là các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành các tổ chức chính trị - xã hội đi dự Ngày hội ở các khu dân cư điểm ở các địa phương trong tỉnh. Ngày hội đã cổ vũ, động viên tinh thần của Nhân dân, là điểm nhấn của Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ở mỗi xóm, tổ dân phố. Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 309.056/329.080 gia đình được công nhận Gia đình văn hoá (đạt 93,91%), 2.181/2.254 khu dân cư được công nhận danh hiệu Khu dân cư văn hoá (đạt 96,76%).
![]() |
Đồng chí Trương Thị Mai, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương dự Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại khu dân cư Mỏ Gà, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên (Nguồn:internet) |
Thông qua tổ chức Ngày hội đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vai trò chủ thể của Nhân dân đối với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của từng địa phương. Nhân dân đã tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do các cấp, các ngành phát động như: “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc”; “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”; “Thanh niên tham gia xây dựng đô thị văn minh”; “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo bền vững, làm kinh tế giỏi”; “Nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả trong doanh nghiệp”; “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”. Trong những năm qua, Mặt trận Tổ quốc các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên vận động Nhân dân hiến trên 160,4 ha đất làm đường giao thông nông thôn, xây dựng hạ tầng cơ sở. Đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã có 12 xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn. Có 74 xã trong tổng số 113 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới (cao gấp gần 03 lần bình quân chung của cả nước cho vùng này). Đến hết năm 2022, Thái Nguyên có 66/110 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; có 19/63 xã, 75/94 xóm đặc biệt khó khăn hoàn thành mục tiêu Chương trình 135, là tỉnh đứng thứ nhất toàn quốc trong giai đoạn vừa qua. Tính đến hết tháng 9/2023, tính chung trên toàn tỉnh có 110/126 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 87,3%, cao hơn bình quân chung của cả nước (cả nước là 73,24%). Diện mạo nông thôn đã có nhiều thay đổi rõ nét, văn hoá phát triển, môi trường được bảo vệ, an ninh chính trị ổn định.
Có thể thấy, trong những năm qua, các cuộc vận động xã hội, các phong trào thi đua yêu nước sâu rộng do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thái Nguyên và các tổ chức thành viên phát động và triển khai thực hiện ngày càng đi vào cuộc sống, được các tầng lớp Nhân dân tích cực hưởng ứng. Trong đó, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, bảo vệ chăm sóc sức khỏe Nhân dân, cùng với cuộc vận động xã hội, các phong trào thi đua đã có tác dụng thiết thực, tạo nên sự gắn kết cộng đồng, làm cho tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc thấm sâu vào các tầng lớp Nhân dân, đập tan mọi luận điệu xuyên tạc, phản động của các thế lực thù địch nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Qua đó góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, tạo động lực thúc đẩy phát triển đất nước nhanh và bền vững, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bên cạnh những ưu điểm, việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết của Mặt trận Tổ quốc tỉnh trong thời gian vừa qua vẫn còn một số hạn chế nhất định: Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có nơi chưa sâu sát với Nhân dân và cơ sở; chưa chủ động nắm tình hình, tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân. Việc tổ chức lấy ý kiến của Nhân dân đối với các dự án, công trình đôi lúc chưa đảm bảo quy trình. Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội đôi lúc chưa đáp ứng với tình hình mới…
Để vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc trong Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Thái Nguyên, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn hiện nay, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Đại đoàn kết là sự nghiệp của cả dân tộc, của cả hệ thống chính trị mà hạt nhân lãnh đạo là Đảng Cộng sản Việt Nam, được thực hiện bằng nhiều biện pháp, hình thức. Trong đó, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có ý nghĩa quan trọng hàng đầu. Đó là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu, là nhân tố bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hai là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên theo hướng sát cơ sở, cụ thể, thiết thực; thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong việc triển khai, thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, đoàn kết các giai cấp, dân tộc, tôn giáo. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần thực hiện tốt hơn vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Đẩy mạnh việc nghiên cứu và tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh một cách có hệ thống, đi vào chiều sâu gắn liền với tổng kết thực tiễn việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đấu tranh với những quan điểm sai trái, xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, làm cho mọi tầng lớp Nhân dân tin tưởng vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Ba là, tiếp tục thực hiện Quyết định số 217QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Quy định số 124-QĐ/TW ngày 02/02/2018 của Ban Bí thư về “Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”, góp phần xây dựng Đảng và chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh.
Bốn là, tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 136-KH/UBND ngày 08/12/2020 của UBND tỉnh Thái Nguyên về triển khai thực hiện Đề án "Phòng ngừa, ngăn chặn cách mạng màu ở Việt Nam" trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên gắn với thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới".
Năm là, phối hợp với ngành Công an và các cơ quan chức năng tiếp tục tuyên truyền, đẩy mạnh phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc", gắn với thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược An ninh mạng quốc gia. Kịp thời phát hiện, lên án các hành vi sử dụng không gian mạng để tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước; tuyên truyền vận động Nhân dân nêu cao cảnh giác, đấu tranh với các hoạt động cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo chống phá Đảng, Nhà nước; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Sáu là, nâng cao chất lượng hoạt động các kênh thông tin của Mặt trận Tổ quốc như: Cổng thông tin điện tử; trang fanpage, nhóm trên Facebook của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Đa dạng hóa hoạt động đấu tranh theo hướng thiết lập và sử dụng các trang web, diễn đàn để đăng tải các bài viết với nội dung tuyên truyền các quan điểm chính thống, định hướng dư luận, phản bác hoặc tiến hành đấu tranh phản bác ngay tại các trang mạng “độc hại”. Xây dựng và mở rộng đội ngũ cộng tác viên đưa tin, viết bài, bình luận; nâng cao chất lượng các bài viết đấu tranh phản bác với luận cứ khoa học, tính thuyết phục cao. Kết hợp chặt chẽ các biện pháp đấu tranh trực tiếp và gián tiếp; giữa xây và chống, trong đó lấy xây là chính; chủ động cung cấp thông tin và phối hợp với các cơ quan báo chí để đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả. Tập hợp, định hướng các tổ chức thành viên hình thành lực lượng đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng.
Có thể thấy, hiện nay, đất nước đang đứng trước những vận hội mới, đồng thời cũng có những thách thức mới. Những vận hội và thách thức đó tác động hàng ngày, hàng giờ đến khối đại đoàn kết dân tộc. Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, toàn Đảng, toàn dân, trong đó có Mặt trận Tổ quốc các cấp cần phải luôn luôn quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết để huy động tối đa sức mạnh toàn dân tộc, góp phần đấu tranh làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện thành công khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
Hoàng Công Tuấn
Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Chính trị (2018), Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 về “tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, Hà Nội.
2. Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thái Nguyên (2022), Báo cáo số 672/BC-MTTQ-BTT ngày 09/12/2022 của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thái Nguyên về kết quả tổng kết công tác Mặt trận năm 2022; chương trình phối hợp và thống nhất hành động năm 2023, Thái Nguyên.
3. Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thái Nguyên (2023), Báo cáo số 760/BC-MTTQ-BTT ngày 31/5/2023 của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thái Nguyên về tổng kết 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc giai đoạn 2003 - 2023, Thái Nguyên.
Tin đọc nhiều
Dữ liệu hiện đang được cập nhật
Phổ biến
Dữ liệu hiện đang được cập nhật