Thứ Sáu, 25/04/2025
Ban Tuyên giáo Trung ương - Hệ thống phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị

Cơ sở lý luận của vấn đề “Học thuyết giá trị thặng dư của chủ nghĩa Mác - Lênin và đề xuất bổ sung phát triển vào thực tiễn Việt Nam trong bối cảnh mới”

Chia sẻ:

(LLCT) - Học thuyết giá trị thặng dư được hình thành trên cơ sở học thuyết giá trị - lao động mà trực tiếp là việc phát hiện ra tính chất hai mặt của lao động sản xuất hàng hóa. Việc phát hiện ra tính chất hai mặt của lao động sản xuất hàng hóa có ý nghĩa to lớn về mặt lý luận, nó đem đến cho lý thuyết giá trị - lao động một cơ sở khoa học thực sự.

1. Cơ sở lý luận của vấn đề “Học thuyết giá trị thặng dư của chủ nghĩa Mác - Lênin”

Chủ nghĩa Mác - Lênin do C.Mác Ph.Ăng-ghen sáng lập và được V.I.Lênin bổ sung, phát triển phù hợp với bối cảnh mới của thế giới cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Theo V.I.Lênin, “Chủ nghĩa Mác là hệ thống các quan điểm và học thuyết của Mác”(1). V.I.Lênin cho rằng: “Toàn bộ thiên tài của Mác chính là ở chỗ ông đã giải đáp được những vấn đề mà tư tưởng tiên tiến của nhân loại đã nêu ra… Học thuyết của Mác là học thuyết vạn năng vì nó là một học thuyết chính xác. Nó là một học thuyết hoàn bị và chặt chẽ; nó cung cấp cho người ta một thế giới quan hoàn chỉnh, không thỏa hiệp với bất cứ một sự mê tín nào, một thế lực phản động nào, một hành vi nào bảo vệ sự áp bức của tư sản”.(2)

Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

Đánh giá về những công lao của C.Mác, Ph.Ăng-ghen cho rằng có hai phát minh quan trọng nhất. “Điều thứ nhất là Mác đã thực hiện một cuộc cách mạng trong toàn bộ quan niệm về lịch sử thế giới”(3); “Phát hiện quan trọng thứ hai của Các Mác là sự giải thích một cách triệt để quan hệ giữa tư bản và lao động, nói một cách khác là vạch rõ việc nhà tư bản thực hiện bóc lột công nhân như thế nào trong xã hội hiện nay, trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đang tồn tại”(4). Hai phát hiện vĩ đại ấy - quan niệm duy vật về lịch sử và việc dùng giá trị thặng dư để bóc trần bí mật của sản xuất tư bản chủ nghĩa - là công lao của Mác. Nhờ hai phát hiện ấy, chủ nghĩa xã hội đã trở thành một khoa học mà ngày nay, vấn đề trước hết là phải nghiên cứu thêm, trong mọi chi tiết và mọi mối liên hệ của nó”(5). Nghiên cứu về chủ nghĩa Mác đã đưa V.I.Lênin tới khẳng định rằng, Nghiên cứu sự phát sinh, phát triển và suy tàn của những quan hệ sản xuất của một xã hội nhất định trong lịch sử, đó là nội dung của học thuyết kinh tế của Mác”(6) Học thuyết giá trị thặng dư là viên đá tảng của học thuyết kinh tế của Mác”.(7)  

Để xây dựng học thuyết giá trị thặng dư, C.Mác đã nghiên cứu tổng kết những thành tựu mà nhân loại trước đó đã đạt được trong lý luận về triết học, kinh tế chính trị và chủ nghĩa xã hội, kế thừa “tất cả những cái tốt đẹp nhất mà loài người đã tạo ra hồi thế kỷ XIX, đó là triết học Đức, kinh tế chính trị học Anh và chủ nghĩa xã hội Pháp”(8), đặc biệt là những thành tựu của kinh tế chính trị cổ điển Anh về học thuyết giá trị lao động.

Sở dĩ C.Mác nghiên cứu sâu về kinh tế chính trị cổ điển Anh là do “Khoa kinh tế chính trị cổ điển trước Mác hình thành ở Anh là nước tư bản chủ nghĩa phát triển nhất. A-đam Xmít và Đa-vít Ri-các-đô, nghiên cứu chế độ kinh tế, đã mở đầu học thuyết lao động về giá trị. Mác tiếp tục sự nghiệp của hai nhà kinh tế học đó. Ông đã luận chứng lý luận đó một cách chặt chẽ và phát triển lý luận đó một cách triệt để”.(9)

V.I.Lênin cho rằng, xuất phát từ cách tiếp cận về “Cái đang thống trị xã hội tư bản chủ nghĩa, đó là sản xuất hàng hoá; cho nên sự phân tích của Mác bắt đầu từ việc phân tích hàng hoá”.(10) Trong tác phẩm “Tư bản”, C.Mác bắt đầu phân tích hàng hóa với tư cách là “một vật nhờ có những thuộc tính của nó mà thỏa mãn được một loại nhu cầu nào đó của con người”(11), tức là từ giá trị sử dụng của hàng hóa. Ông khẳng định rằng, mặc dù “Giá trị sử dụng cấu thành cái nội dung vật chất của của cải, chẳng kể hình thái xã hội của của cải đó là như thế nào”(12) nhưng “Trong hình thái xã hội mà chúng ta đang nghiên cứu, giá trị sử dụng đồng thời cũng là những vật mang giá trị trao đổi”(13). Sử dụng phương pháp trừu tượng hóa khoa học khi nghiên cứu về giá trị trao đổi đã cho phép C.Mác “kết luận rằng, một là, các giá trị trao đổi khác nhau của cùng một thứ hàng hóa đều biểu thị một cái gì đó giống nhau, và hai là, giá trị trao đổi nói chung chỉ có thể là một phương thức biểu thị, chỉ là một “hình thái thể hiện” của một nội dung nào đó khác với nó mà thôi(14). Từ đó, C.Mác đã phát hiện ra rằng: “Nếu gạt giá trị sử dụng của vật thể hàng hóa ra một bên, thì vật thể hàng hóa chỉ còn có một thuộc tính mà thôi, cụ thể là: chúng là sản phẩm của lao động”(15). Tuy nhiên, lao động tạo ra hàng hóa ở đây phải được “quy thành thứ lao động giống nhau của con người, thành lao động trừu tượng của con người”(16). Với cách nhìn đó “Trong các sản phẩm đó không còn lại cái gì cả, trừ cái thực thể hư ảo như nhau, một sự kết tinh đơn thuần, không phân biệt, của lao động của con người, tức là một sự chi phí về sức lao động của con người, không kể đến hình thức của sự chi phí đó. Tất cả những vật ấy bây giờ chỉ còn biểu hiện một điều là trong việc sản xuất ra chúng, sức lao động của con người đã được chi phí vào đấy, lao động của con người đã được tích lũy vào đấy. Là những tinh thể của cái thực thể xã hội chung cho tất cả các vật ấy, cho nên các vật ấy đều là những giá trị - những giá trị hàng hóa”(17). C.Mác cho rằng: “cái chung, biểu hiện trong quan hệ trao đổi hay trong giá trị trao đổi của các hàng hóa, chính là giá trị của chúng”(18). Như vậy, kế thừa quan điểm của các nhà kinh tế trước đó rằng giá trị hàng hóa là lao động, bằng phát kiến ra tính hai mặt của lao động sản xuất hàng hóa C.Mác đã phát triển khái niệm giá trị hàng hóa là lao động trừu tượng của người sản xuất hàng hóa kết tinh trong hàng hóa, tạo cơ sở cho xác định đại lượng giá trị của hàng hóa bằng thời gian lao động xã hội cần thiết. Theo C.Mác, “Thời gian lao động xã hội cần thiết là thời gian lao động đòi hỏi để sản xuất ra một giá trị sử dụng nào đó, trong những điều kiện sản xuất bình thường của xã hội, với một trình độ thành thạo trung bình và một cường độ lao động trung bình trong xã hội đó”(19) Thời gian lao động xã hội cần thiết phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó cơ bản là “sự thay đổi trong sức sản xuất của lao động. Sức sản xuất của lao động được quyết định bởi rất nhiều tình hình, trong đó có: trình độ khéo léo trung bình của người công nhân, mức độ phát triển của khoa học và trình độ áp dụng khoa học vào quy trình công nghệ, sự kết hợp xã hội của quá trình sản xuất, quy mô và hiệu suất của tư liệu sản xuất, và các điều kiện thiên nhiên”.(20)

Như vậy, khác với các nhà kinh tế học trước đó chỉ “nhìn thấy quan hệ giữa vật với vật (hàng hóa này đổi lấy hàng hóa khác), thì ở chỗ đó, Mác đã tìm thấy quan hệ giữa người với người”(21), do đó, giá trị hàng hóa có quá trình hình thành và phát triển trên cơ sở phát triển của nền sản xuất xã hội và quan hệ trao đổi, biểu hiện thông qua sự phát triển của giá trị qua các hình thái từ hình thái đơn giản, đơn nhất hay ngẫu nhiên đến hình thái đầy đủ, mở rộng; hình thái chung; hình thái tiền và theo đó sự phát triển của quan hệ trao đổi đã dẫn tới sự hình thành một loại hàng hóa đặc biệt đóng vai trò là vật ngang giá chung, là vật liệu để biểu hiện và đo lường giá trị của mọi hàng hóa khác và vàng đã trở thành hàng hóa thích hợp để thực hiện vai trò của tiền.

“Là sản phẩm tột cùng của sự phát triển của trao đổi và của sản xuất hàng hoá, tiền làm lu mờ và che lấp tính chất xã hội của lao động cá nhân, tức là mối liên hệ xã hội giữa những người sản xuất khác nhau mà thị trường đã ràng buộc với nhau. Mác phân tích hết sức cặn kẽ các chức năng khác nhau của tiền tệ, và cần chú ý rằng ngay cả ở đây (cũng như trong tất cả các chương đầu của bộ "Tư bản"), hình thức trừu tượng của bản trình bày, tuy đôi lúc hình như có tính chất thuần tuý suy diễn, nhưng thật ra là ghi lại những tài liệu vô cùng phong phú về lịch sử phát triển của trao đổi và của sản xuất hàng hoá. "Việc trao đổi sản phẩm đã phải có hình thức lưu thông hàng hoá rồi thì tiền mới có thể ra đời được. Những chức năng khác nhau của tiền như là vật ngang giá đơn thuần, phương tiện lưu thông, phương tiện thanh toán, tiền tích trữ, quỹ dự trữ, v. v., đến lượt nó, đều chỉ rõ các giai đoạn rất khác nhau của quá trình sản xuất xã hội, tuỳ theo quy mô sử dụng chức năng này hay chức năng kia, tuỳ theo ưu thế của chức năng này so với chức năng kia" ("Tư bản", quyển 1).(22)

Rõ ràng rằng, việc tổng kết những thành tựu nghiên cứu của các nhà kinh tế học trước đó về giá trị và sự bổ sung phát triển học thuyết giá trị đã tạo ra cơ sở lý luận quan trọng cho nghiên cứu về giá trị thặng dư của C.Mác. Tuy nhiên, để sáng tạo ra Học thuyết giá trị thặng dư cần phải có phát kiến sâu sắc hơn, phải giải thích được về lý luận những điều kiện để chuyển nền sản xuất hàng hóa giản đơn thành nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Theo Ph.Ăng-ghen, “Từ khi khoa kinh tế chính trị nêu ra luận điểm cho rằng lao động là nguồn gốc của mọi của cải và mọi giá trị, thì nhất định người ta phải đặt ra câu hỏi: vì sao người lao động làm thuê lại không được hưởng toàn bộ giá trị mà lao động của anh ta đã sản xuất và vì sao anh ta lại phải để cho nhà tư bản hưởng một phần? Các nhà kinh tế học tư sản và những người xã hội chủ nghĩa đã mất công phí sức mà vẫn không giải đáp được câu hỏi ấy một cách khoa học và đúng đắn và cuối cùng phải đến Mác mới giải đáp được”.(23)

Từ phân tích nền kinh tế tư bản chủ nghĩa với tư cách là nền sản xuất hàng hóa phát triển cao thông qua so sánh Hình thái trực tiếp của lưu thông hàng hóa là H - T - H và hình thái lưu thông của tư bản là T - H - T, C.Mác đã nghiên cứu phân tích công thức chung của tư bản T - H - T', trong đó T’ = T + ∆t, nghĩa là bằng số tiền ứng ra lúc ban đầu cộng với một số tăng thêm nào đó. Số tăng thêm đó, hay số  dư so với giá trị lúc ban đầu. C.Mác gọi là giá trị thặng dư (surplus value).(24)

C.Mác khẳng định: “Như vậy là giá trị được ứng ra lúc ban đầu không những được bảo tồn trong lưu thông, mà còn thay đổi đại lượng của nó, còn cộng thêm một giá trị thặng dư, hay là đã tự tăng thêm giá trị. Chính sự vận động ấy đã biến giá trị đó thành tư bản”(25). Dựa vào học thuyết giá trị, C.Mác đã thực hiện phân tích những mâu thuẫn của công thức chung của tư bản nhằm tìm ra nguồn gốc của giá trị thặng dư và khẳng định rằng: “những mưu toan coi lưu thông hàng hóa là một nguồn giá trị thặng dư, phần lớn đều che đậy một sự quid pro quo, một sự lẫn lộn giữa giá trị sử dụng và giá trị trao đổi”(26), “không thể giải thích được sự hình thành giá trị thặng dư và do đó, sự chuyển hóa của tiền thành tư bản, bằng việc người bán bán hàng hóa của mình cao hơn giá trị của chúng hoặc bằng việc người mua mua hàng hóa thấp hơn giá trị của chúng”(27), “Toàn bộ giai cấp các nhà tư bản của một nước không thể kiếm lãi bằng cách lừa bịp bản thân mình được”(28). Đồng thời, “Ở ngoài lưu thông, người chủ hàng hóa chỉ còn quan hệ với hàng hóa của bản thân anh  ta mà thôi. Còn đối với giá trị của nó, thì mối quan hệ ấy chỉ hạn chế ở chỗ là hàng hóa của anh ta chứa đựng một lượng lao động nhất định của bản thân anh ta, lao động đó được đo theo đúng những quy luật xã hội nhất định”(29), “người sản xuất hàng hóa không thể làm tăng thêm giá trị, và do đó, không thể biến tiền hay hàng hóa thành tư bản ở bên ngoài lĩnh vực lưu thông mà không tiếp xúc với những người chủ hàng hóa khác”.(30)

Những phân tích về mâu thuẫn của công thức chung của tư bản dựa trên học thuyết giá trị lao động đã cho phép C.Mác khái quát rằng: “Vậy là tư bản không thể xuất hiện từ lưu thông và cũng không thể xuất hiện ở bên ngoài lưu thông. Nó phải xuất hiện trong lưu thông và đồng thời không phải trong lưu thông”(31). Vậy làm thế nào để có thể giải thích được sự chuyển hóa của tiền thành tư bản trên cơ sở những quy luật nội tại của việc trao đổi hàng hóa, tức là phải lấy việc trao đổi vật ngang giá làm điểm xuất phát?

C.Mác cho rằng, “Sự biến đổi giá trị của số tiền cần phải chuyển hóa thành tư bản không thể xảy ra ở trong bản thân số tiền ấy”.(32) Trong công thức T-H-T, “sự biến đổi ấy cũng không thể nào phát sinh từ hành động thứ hai của lưu thông, từ việc bán lại hàng hóa, vì hành vi này chỉ chuyển thành hàng hóa từ hình thái tự nhiên của nó trở lại hình thái tiền mà thôi. Do đó, sự biến đổi ấy chỉ có thể xảy ra với thứ hàng hóa được mua vào trong hành vi thứ nhất T - H, nhưng lại không phải xảy ra với giá trị của nó, vì được trao đổi ở đây là những vật ngang giá, và hàng hóa được trả theo giá trị của chúng. Vậy là sự biến đổi đó chỉ có thể phát sinh từ bản thân giá trị sử dụng của hàng hóa, nghĩa là chỉ phát sinh từ việc tiêu dùng hàng hóa đó mà thôi. Nhưng muốn rút được giá trị từ việc tiêu dùng hàng hóa thì người chủ tiền của chúng ta phải có được điều may mắn là phát hiện được trong lĩnh vực lưu thông, tức là trên thị trường, một thứ hàng hóa mà bản thân giá trị sử dụng của nó có cái đặc tính độc đáo là một nguồn sinh ra giá trị, - một thứ hàng hóa mà khi tiêu dùng nó thật sự thì vật hóa được lao động, và do đó sẽ tạo ra được giá trị. Và người chủ tiền đã tìm được thứ hàng hóa đặc biệt ấy trên thị trường: đó là năng lực lao động, hay sức lao động”(33)

Như vậy, lý luận hàng hóa sức lao động là cơ sở lý luận đặc biệt quan trọng, là chìa khóa để đi vào nghiên cứu những nội dung cơ bản của học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác. Để làm rõ vai trò của hàng hóa sức lao động trong tạo ra giá trị thặng dư C.Mác đã đưa ra khái niệm sức lao động, luận giải những điều kiện để sức lao động trở thành hàng hóa phổ biến và tính đặc biệt trong những thuộc tính của hàng hóa sức lao động.

Theo C.Mác, “sức lao động hay năng lực lao động là toàn bộ những năng lực thể chất và tinh thần tồn tại trong một cơ thể, trong một con người đang sống, và được người đó đem ra vận dụng mỗi khi sản xuất ra một giá trị sử dụng nào đó”(34). Những điều kiện để sức lao động trở thành hàng hóa bao gồm:

Thứ nhất, “người chủ sức lao động …phải có khả năng chi phối được sức lao động ấy, do đó, người ấy phải là kẻ tự do sở hữu năng lực lao động của mình, thân thể của mình”(35), “Muốn duy trì mối quan hệ ấy, người sở hữu sức lao động bao giờ cũng chỉ bán sức lao động đó trong một thời gian nhất định”(36)

Thứ hai, “người chủ sức lao động phải không còn có khả năng bán những hàng hóa trong đó lao động của anh ta được vật hóa, mà trái lại, anh ta buộc phải đem bán, với tư cách là hàng hóa, chính ngay cái sức lao động chỉ tồn tại ở trong cơ thể sống của anh ta thôi”.(37)

“Như vậy là để chuyển hóa tiền thành tư bản, người chủ tiền phải tìm được người lao động tự do ở trên thị trường hàng hóa, tự do theo hai nghĩa: theo nghĩa là một con người tự do, chi phối được sức lao động của mình với tư cách là một hàng hóa, và mặt khác, anh ta không còn có một hàng hóa nào khác để bán, nói một cách khác là trần như nhộng, hoàn toàn không có những vật cần thiết để thực hiện sức lao động của mình”.(38) Rõ ràng là, sự chuyển hóa của sức lao động thành hàng hóa là một quá trình lịch sử phát triển của quan hệ xã hội trong nền sản xuất xã hội. “Thiên nhiên không sinh ra một bên là những người chủ tiền và chủ hàng hóa, còn bên kia là những người chỉ làm chủ độc có sức lao động của mình. Quan hệ ấy không phải là một quan hệ lịch sử - tự nhiên mà cũng không phải là một quan hệ xã hội chung cho tất cả các thời kỳ lịch sử. Rõ ràng bản thân nó là kết quả của sự phát triển lịch sử trước đó, là sản vật của nhiều cuộc cách mạng kinh tế, là sản vật của sự diệt vong của hàng loạt những hình thái sản xuất xã hội cũ hơn”.(39) “Đối với tư bản thì không phải như vậy. Những điều kiện tồn tại lịch sử của tư bản quyết không phải chỉ là lưu thông hàng hóa và lưu thông tiền tệ. Tư bản chỉ phát sinh ở nơi nào mà người chủ những tư liệu sản xuất và tư liệu sinh hoạt tìm thấy được người lao động tự do với tư cách là người bán sức lao động của mình ở trên thị trường và chỉ một điều kiện lịch sử ấy cũng bao hàm cả một lịch sử thế giới. Vì thế, ngay từ lúc mới xuất hiện, tư bản đã báo hiệu một thời đại đặc biệt của quá trình sản xuất xã hội”(40)

Từ phân tích những điều kiện làm cho sức lao động trở thành hàng hóa phổ biến, C.Mác đã đi sâu phân tích tính đặc biệt của loại hàng hóa này biểu hiện trong các thuộc tính của nó. Theo C.Mác, “Giá trị của sức lao động, cũng như của mọi hàng hóa khác, được quyết định bởi số thời gian lao động cần thiết để sản xuất, và do  đó, để tái sản xuất ra thứ sản phẩm đặc biệt ấy”(41). “Muốn duy trì cuộc sống của bản thân mình, một con người sống cần có một số tư liệu sinh hoạt nhất định. Như vậy, thời gian lao động cần thiết để sản xuất ra sức lao động sẽ quy thành thời gian lao động cần thiết để sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt ấy, hay nói một cách khác, giá trị của sức lao động là giá trị của những tư liệu sinh hoạt cần thiết để duy trì cuộc sống của con người có sức lao động ấy”,(42) “tổng số các tư liệu sinh hoạt phải đủ để duy trì con người lao động với tư cách là như vậy ở trong một trạng thái sinh hoạt bình thường. Bản thân những nhu cầu tự nhiên như thức ăn, quần áo, chất đốt, nhà ở, v.v. cũng khác nhau tùy theo khí hậu và những đặc điểm thiên nhiên khác của từng nước. Mặt khác, quy mô của cái gọi là những nhu cầu thiết yếu, cũng như những phương thức thỏa mãn những nhu cầu đó, bản thân chúng cũng là một sản phẩm của lịch sử và vì thế mà phụ thuộc phần lớn vào trình độ văn minh của mỗi nước, ngoài ra cũng còn phụ thuộc rất nhiều vào những điều kiện”(43)

“Như vậy, ngược lại với hàng hóa khác, việc quy định giá trị của sức lao động bao hàm một yếu tố l ịch sử và tinh thần. Nhưng đối với một nước nhất định và đối với một thời kỳ nhất định, thì tính trung bình, quy mô của những tư liệu sinh hoạt cần thiết cho người lao động là một đại lượng nhất định”.(44)

Với tư cách là hàng hóa đặc biệt, giá trị hàng hóa sức lao động phải gồm ba phần: “Tổng số những tư liệu sinh hoạt cần thiết cho việc sản xuất ra sức lao động bao gồm cả những tư liệu sinh hoạt cho những người thay thế đó, tức là cho con cái của những người lao động, khiến cho cái giống những người chủ hàng hóa đặc biệt đó được duy trì vĩnh cửu ở trên thị trường hàng hóa”(45) và “chi phí học tập ấy - những chi phí hoàn toàn không đáng kể đối với sức lao động bình thường - đều gia nhập vào tổng số những giá trị được chi phí để sản xuất ra sức lao động”(46)

Khác với hàng hóa thông thường là giá trị được quyết định bởi thời gian lao động xã hội cần thiết để sản xuất và tái sản xuất ra chúng, “giá trị của sức lao động được quy thành giá trị của một tổng số những tư liệu sinh hoạt nhất định. Vì vậy, giá trị ấy thay đổi cùng với sự thay đổi của giá trị các tư liệu sinh hoạt đó, nghĩa là cùng với sự thay đổi đại lượng thời gian lao động cần thiết để sản xuất ra chúng”(47). “Giới hạn thấp nhất, hay tối thiểu, của giá trị sức lao động tạo thành giá trị của cái khối lượng hàng hóa mà hàng ngày thiếu nó thì kẻ mang sức lao động, tức là con người, sẽ không thể khôi phục lại quá trình sống của mình, tức là tạo thành giá trị của những tư liệu sinh hoạt không thể thiếu được về mặt sinh lý. Nếu như giá cả của sức lao động rơi xuống mức tối thiểu ấy, thì nó sẽ rơi xuống thấp hơn giá trị của nó và khi đó nó chỉ được duy trì và phát triển dưới một trạng thái lay lắt mà thôi. Nhưng giá trị của mọi hàng hóa lại được quyết định bởi số thời gian lao động cần thiết để sản xuất ra hàng hóa ấy với một phẩm chất bình thường”.(48)

Những điều kiện biến sức lao động thành hàng hóa đã tạo ra tình cảnh rất gay go đối với người chủ sức lao động. “Nếu không bán được năng lực lao động thì nó không có ích gì cho người lao động cả; ngược lại anh ta cảm thấy điều sau đây như là một sự tất yếu tự nhiên độc ác: năng lực lao động của anh ta, đã đòi hỏi một lượng tư liệu sinh hoạt nhất định để tự sản xuất ra, thì cũng lại không ngừng đòi hỏi những tư liệu sinh hoạt mới để tự tái sản xuất ra(49)”, do đó, “Bản chất riêng của thứ hàng hóa đặc biệt này, tức là của sức lao động, còn biểu thị ra ở chỗ, khi hợp đồng đã được ký kết giữa người mua và người bán thì giá trị sử dụng của nó vẫn chưa thật sự chuyển sang tay người mua. Giá trị của nó, cũng như giá trị của bất kỳ một hàng hóa nào khác, đã được quyết định trước khi nó đi vào lưu thông, bởi vì một lượng lao động xã hội nhất định đã được chi phí để sản xuất ra sức lao động, nhưng giá trị sử dụng của sức lao động thì chỉ bao hàm ở những biểu hiện về sau này của sức đó mà thôi. Vậy, việc chuyển nhượng sức lực và biểu hiện thực tế của nó, tức là sự tồn tại của nó với tư cách là một giá trị sử dụng, bị tách khỏi nhau trong thời gian”.(50)

Giá trị sử dụng của hàng hóa sức lao động là giá trị sử dụng cho người mua, phải đáp ứng được yêu cầu của của người mua. Đối với người mua là nhà tư bản thì hàng hóa sức lao động có giá trị sử dụng là tạo ra giá trị thặng dư trong quá trình tiêu dùng sức lao động. Do đó, “Quá trình tiêu dùng sức lao động đồng thời cũng là quá trình sản xuất ra hàng hóa và giá trị thặng dư”.(51)

Ngoài việc nghiên cứu tổng kết những thành tựu của các nhà kinh tế trước đó về giá trị, bổ sung, phát triển học thuyết giá trị, sáng tạo ra lý luận hàng hóa sức lao động, để xây dựng học thuyết giá trị thặng dư C.Mác còn nghiên cứu tổng kết có có phê phán những quan niệm trước đó về giá trị thặng dư. C.Mác cho rằng: “Tất cả các nhà kinh tế chính trị học đều phạm phải cái sai lầm là đã không xét giá trị thặng dư dưới dạng thuần túy, với tư cách là giá trị thặng dư, mà xét dưới hình thái đặc thù là lợi nhuận và địa tô”.(52)

Như vậy, cơ sở lý luận của học thuyết giá trị thặng dư của chủ nghĩa Mác-Lênin bao gồm học thuyết giá trị lao động, lý luận hàng hóa sức lao động và những quan niệm của các nhà kinh tế trước đó về giá trị thặng dư.

2. Đề xuất bổ sung phát triển vào thực tiễn Việt Nam trong bối cảnh mới

Hội thảo khoa học "Học thuyết giá trị thặng dư của chủ nghĩa Mác-Lênin: Những giá trị cốt lõi, những luận điểm đã bị lịch sử vượt qua, sự bổ sung, phát triển trong bối cảnh mới” (Ảnh: Hà Giang)

Nghiên cứu sự hình thành và phát triển những cơ sở lý luận của Học thuyết giá trị thặng dư của chủ nghĩa Mác-Lênin cho thấy C.Mác, Ph.Ăng-ghen và sau đó là V.I.Lênin luôn cố gắng khai thác và chú trọng sử dụng có phê phán những thành tựu mà nhận loại đã đạt được trước đó về vấn đề nghiên cứu, đồng thời bổ sung phát triển dựa trên những phân tích đánh giá những điều kiện lịch sử cụ thể của sản xuất, trao đổi, phân phối và tiêu dùng giá trị thặng dư. So với các nhà kinh tế đi trước, C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã phân tích sản xuất tư bản chủ nghĩa với tư cách là nền sản xuất trong đó quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa đã trở thành thống trị dựa trên sự phát triển cao của lực lượng sản xuất là nền đại công nghiệp cơ khí. Theo V.I.Lênin, “Nhờ đánh bại sản xuất nhỏ, tư bản đưa đến chỗ nâng cao năng suất lao động và tạo ra địa vị độc quyền cho những liên minh của các nhà tư bản cực lớn. Bản thân sản xuất ngày càng được xã hội hóa, - hàng chục vạn và hàng triệu công nhân gắn chặt với nhau thành một cơ thể kinh tế có kế hoạch - nhưng sản phẩm của lao động chung thì lại do một nhúm nhà tư bản chiếm hữu. Tình trạng vô chính phủ trong sản xuất ngày càng tăng; các cuộc khủng hoảng, cuộc chạy đua điên cuồng để giành thị trường, và đời sống quần chúng nhân dân không được đảm bảo. Làm cho công nhân ngày càng lệ thuộc vào tư bản, chế độ tư bản chủ nghĩa tạo ra sức mạnh to lớn của lao động liên hợp. Mác đã theo dõi quá trình phát triển của chủ nghĩa tư bản, từ những mầm mống đầu tiên của kinh tế hàng hóa, tức là từ trao đổi giản đơn, cho đến những hình thức cao nhất của nó, cho đến đại sản xuất. Và kinh nghiệm của tất cả các nước tư bản chủ nghĩa cũ cũng như mới, đều chứng tỏ rõ ràng cho một số công nhân ngày càng đông thấy rằng học thuyết ấy của Mác là đúng. Chủ nghĩa tư bản đã thắng trên toàn thế giới, nhưng thắng lợi ấy chẳng qua chỉ là sự giáo đầu của thắng lợi của lao động đối với tư bản mà thôi”. (53)

Sự bổ sung, phát triển học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác bởi V.I.Lênin được thể hiện rõ nét trong lý luận về chủ nghĩa tư bản độc quyền, chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước và thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã tạo ra cơ sở lý luận và phương pháp luận cho nghiên cứu, bổ sung, phát triển Học thuyết giá trị thặng dư của chủ nghĩa Mác-Lênin ở Việt Nam trong bối cảnh mới. Theo đó định hướng nghiên cứu, bổ sung, phát triển Học thuyết giá trị thặng dư của chủ nghĩa Mác-Lênin ở Việt Nam thời gian tới bao gồm:

Một là, Tiếp tục nghiên cứu nội dung Học thuyết giá trị thặng dư  theo hướng làm rõ những giá trị cốt lõi của Học thuyết giá trị thặng dư.

Hai là, Tổng kết những thành tựu của nhân loại đã đạt được trong thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI về những điều kiện mới của sản xuất, trao đổi, phân phối, tiêu dùng giá trị thặng dư, bổ sung, phát triển học thuyết giá trị, lý luận hàng hóa sức lao động trong bối cảnh mới.

Ba là, bổ sung những nội dung mới của sản xuất, trao đổi, phân phối, tiêu dùng giá trị thặng dư phù hợp với bối cảnh mới của thế giới với những xu thế mới của toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các yếu tố địa chính trị, địa kinh tế, địa chiến lược kinh tế và xác định những nội dung cần vận dụng vào xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam thời gian tới.

Bốn là, phê phán những quan điểm sai trái, phủ nhận bản chất khoa học của học thuyết giá trị thặng dư. /.

PGS.TS Đoàn Xuân Thủy, Viện Kinh tế chính trị học

TS Vũ Ngọc Hoàng, Trường Chính trị tỉnh Nam Định

Chú thích :

(1) V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb.: CTQG, 2005, Tập 26, tr.59.

(2)V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb.: CTQG, 2005, Tập 23, tr.49-50.

(3)C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb.: CTQG, 2002, tập 19, tr.164.

(4)C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb.: CTQG, 2002, tập 19, tr.167.

(5)C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb.: CTQG, 2002, tập 19, tr.304.

(6)V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb.: CTQG, 2005, Tập 26, tr.72.

(7)V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb.: CTQG, 2005, Tập 23, tr.56.

(8)V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb.: CTQG, 2005, Tập 23, tr.50.

(9)V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb.: CTQG, 2005, Tập 23, tr.54.

(10)V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb.: CTQG, 2005, Tập 26, tr.72.

(11)C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb.: CTQG, Hà Nội, 2002, Tập 23, tr.61.

(12)C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb.: CTQG, Hà Nội, 2002, Tập 23, tr.63.

(13)C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb.: CTQG, Hà Nội, 2002, Tập 23, tr.63.

(14)C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb.: CTQG, Hà Nội, 2002, Tập 23, tr.64.

(15)C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb.: CTQG, Hà Nội, 2002, Tập 23, tr.65

(16)C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb.: CTQG, Hà Nội, 2002, Tập 23, tr.66

(17)C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb.: CTQG, Hà Nội, 2002, Tập 23, tr.66

(18) C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb.: CTQG, Hà Nội, 2002, Tập 23, tr.66

(19)C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb.: CTQG, Hà Nội, 2002, Tập 23, tr.67

(20)C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb.: CTQG, Hà Nội, 2002, Tập 23, tr.68-69

(21)V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb.: CTQG, 2005, Tập 23, tr.54.

(22)V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb.: CTQG, 2005, Tập 26, tr.74.

(23)C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb.: CTQG, 2002, tập 19, tr.167-168304

(24)C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb.: CTQG, Hà Nội, 2002, Tập 23, tr.227

(25)C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb.: CTQG, Hà Nội, 2002, Tập 23, tr.228

(26)C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb.: CTQG, Hà Nội, 2002, Tập 23, tr.239

(27)C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb.: CTQG, Hà Nội, 2002, Tập 23, tr.242

(28)C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb.: CTQG, Hà Nội, 2002, Tập 23, tr.245

(29) C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb.: CTQG, Hà Nội, 2002, Tập 23, tr.248

(30)C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb.: CTQG, Hà Nội, 2002, Tập 23, tr.249

(31)C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb.: CTQG, Hà Nội, 2002, Tập 23, tr.249

(32)C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb.: CTQG, Hà Nội, 2002, Tập 23, tr.250

(33)C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb.: CTQG, Hà Nội, 2002, Tập 23, tr.250-251

(34)C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb.: CTQG, Hà Nội, 2002, Tập 23, tr.251

(35)C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb.: CTQG, Hà Nội, 2002, Tập 23, tr. 251

(36)C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb.: CTQG, Hà Nội, 2002, Tập 23, tr. 251-252

(37)C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb.: CTQG, Hà Nội, 2002, Tập 23, tr. 252-253

(38)C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb.: CTQG, Hà Nội, 2002, Tập 23, tr. 253

(39)C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb.: CTQG, Hà Nội, 2002, Tập 23, tr. 254

(40)C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb.: CTQG, Hà Nội, 2002, Tập 23, tr. 255

(41)C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb.: CTQG, Hà Nội, 2002, Tập 23, tr. 255

(42)C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb.: CTQG, Hà Nội, 2002, Tập 23, tr. 256

(43)C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb.: CTQG, Hà Nội, 2002, Tập 23, tr. 256

(44)C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb.: CTQG, Hà Nội, 2002, Tập 23, tr. 257

(45)C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb.: CTQG, Hà Nội, 2002, Tập 23, tr. 257

(46)C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb.: CTQG, Hà Nội, 2002, Tập 23, tr. 258

(47)C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb.: CTQG, Hà Nội, 2002, Tập 23, tr. 258

(48)C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb.: CTQG, Hà Nội, 2002, Tập 23, tr. 259

(49)C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb.: CTQG, Hà Nội, 2002, Tập 23, tr. 259-260

(50)C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb.: CTQG, Hà Nội, 2002, Tập 23, tr. 260

(51)C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb.: CTQG, Hà Nội, 2002, Tập 23, tr. 262-263

(52)C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb.: CTQG, Hà Nội, 1995, Tập 26, Phần I, tr.15.

(53)V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb.: CTQG, 2005, Tập 23, tr.55-56.

Tin đọc nhiều

Dữ liệu hiện đang được cập nhật

Phổ biến

Dữ liệu hiện đang được cập nhật